Biển Đông: "chiến trường thầm lặng" mới của trục quan hệ Trung-Ấn
(GDVN) - Giống như một số cường quốc khác, Ấn Độ cũng đang lo ngại trước những thách thức mà Trung Quốc đã đặt ra khi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Harsh V. Pant, giảng viên Đại học King, London (Anh) đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông trong một buổi phỏng vấn độc quyền với tờ YaleGlobal Online của Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa thuộc Đại học Yale.
Theo quan điểm của ông, trong khi thế giới đang tập trung theo dõi sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên Biển Đông, thì Bắc Kinh và New Delhi cũng bước vào một cuộc chiến thầm lặng khác tại vùng biển này.
Bằng hành động tham gia đấu thầu thăm dò dầu khí tại Việt Nam, Ấn Độ đã ném một chiếc găng tay về phía Trung Quốc. Thông qua quyết định sẽ tiếp tục thăm dò lô dầu khí này, Ấn Độ ngầm tuyên bố rằng nước này đã sẵn sàng đối đầu Trung Quốc.
Cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu từ hơn một năm trước. Trong tháng 10/2011, Ấn Độ đã ký kết với Việt Nam bản thỏa thuận mở rộng và thúc đẩy khai thác dầu khí trên Biển Đông và mới đây, quốc gia này một lần nữa đã khẳng định lại quyết định trên của mình bấp chấp sự phản đối lẫn đe dọa của Bắc Kinh.
Bằng cách chấp thuận tiến hành thăm dò dầu khí tại lô 127 và 128 theo lời mời của Việt Nam, tập đoàn dầu khí ONGC Videsh Ltd hay OVL đã không chỉ bày tỏ nguyện vọng của New Delhi muốn làm sâu sắc thêm tình hữu nghị với Việt Nam mà còn gửi một tín hiệu cảnh báo rằng Trung Quốc phải tránh xa vùng biển này của Việt Nam.
Đáp lại, một mặt ban hành cảnh báo các nước "bên ngoài khu vực" không nên can dự vào các tranh chấp trên Biển Đông, mặt khác, Bắc Kinh gửi một thông điệp tới Ấn Độ trong tháng 11.2011 nhấn mạnh rằng New Delhi chỉ được phép thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 127 và 128 dưới sự cho phép của Bắc Kinh và trong trường hợp không có điều này, hoạt động của OVL được coi là bất hợp pháp.
Trong khi đó, trên thực tế, chiếu theo Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, 2 lô dầu khí nói trên hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và Việt Nam có chủ quyền đối với 2 khối dầu khí trên.
Trong khi đó, trên thực tế, chiếu theo Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, 2 lô dầu khí nói trên hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và Việt Nam có chủ quyền đối với 2 khối dầu khí trên.
Biển Đông nổi sóng:
Tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định công nhận tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với 2 lô 127 và 128 và bỏ qua các cảnh báo của Trung Quốc. Bộ trưởng Kế hoạch - Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Ashwani Kumar ngày 12.4.2012 tuyên bố nước này sẽ không lùi bước trước những lời đe nẹt của Trung Quốc về dự án hợp tác thăm dò dầu khí giữa nước này với Việt Nam trên biển Đông.
Nhưng sau khi trải qua một số thử thách ban đầu, Ấn Độ có lúc đã tỏ ra chùn bước. Trong tháng 5.2012, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này tuyên bố trước Quốc hội rằng OVL đã quyết định trả lại lô 128 cho Việt Nam sau khi kết quả thăm dò cho thấy nó không có tiềm năng thương mại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng động thái này của New Delhi có thể là một phản ứng do áp lực từ phía Trung Quốc.
Đến tháng 7.2012, sau khi Việt Nam chấp thuận cho OVL thêm một số ưu đãi nữa và gia hạn hợp đồng thăm dò để chứng minh tiềm năng thương mại của khối 128, Ấn Độ quyết định sẽ tiếp tục chương trình thăm dò chung với Việt Nam.
Đến tháng 7.2012, sau khi Việt Nam chấp thuận cho OVL thêm một số ưu đãi nữa và gia hạn hợp đồng thăm dò để chứng minh tiềm năng thương mại của khối 128, Ấn Độ quyết định sẽ tiếp tục chương trình thăm dò chung với Việt Nam.
Trước đó, tháng 6/2012, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu quốc tế thăm dò 9 lô trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gồm cả lô 128 (phi lý, phi pháp và vô hiệu - PV).
Bằng cách thức này, Trung Quốc muốn dồn Ấn Độ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Dù vậy. New Delhi đã tỏ ra không sợ hãi trước Trung Quốc mặc dù Diễn đàn Khu vực ASEAN hồi tháng 7 vừa qua tại Phnom Penh đã thất bại trong việc tìm kiếm một tuyên bố chung giúp tháo gỡ căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN, Ấn Độ không chỉ tích cực ủng hộ tự do hàng hải mà còn đưa ra các nguyên tắc quốc tế phù hợp nhằm khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ASEAN đối với vùng lãnh hải trên Biển Đông. New Delhi vốn thường thích ngồi bên lề và tránh nghiêng về phía nào, nhưng quốc gia này sẽ không thể không hành động nếu muốn duy trì sự tín nhiệm như một quốc gia có vai trò quan trọng trong cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Mối đe dọa từ phía Trung Quốc
Giống như một số cường quốc khác, Ấn Độ cũng đang lo ngại trước những thách thức mà Trung Quốc đã đặt ra khi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng trên cả phương diện thương mại và an ninh quốc tế và sẽ quá nguy hiểm nếu nó được kiểm soát bởi một quốc gia duy nhất.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm kiếm mọi cách để hợp thức hóa các tuyên bố ngang ngược mà nhiều chuyên gia nhận định rằng không có cơ sở pháp lý quốc tế đối với Biển Đông.
Mối quan ngại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc không chỉ tuyên bố chủ quyền mà Hải quân nước này còn tiến hành nhiều hành động táo bạo. Trung Quốc đã quyết định thành lập một đơn vị quân sự đồn trú trên cái mà nước này gọi là "khu phòng thủ Tam Sa" thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thậm chí, Bộ Quốc phòng nước này còn công khai tuyên bố rằng Hải quân và Không quân Trung Quốc "sẵn sàng chiến đấu" để "bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình" trên Biển Đông.
Trong một màn phô diễn táo bạo với sự hỗ trợ của đồng minh Campuchia, Trung Quốc thậm chí còn khiến lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN không thể thông qua được một tuyên bố chung. Trung Quốc đã thành công trong trò chơi chia rẽ chính trị để đảm bảo rằng tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông luôn là vấn đề song phương.
Để thực hiện tham vọng mở rộng lãnh hải của mình bằng cách chiếm đoạt chủ quyền của các nước khác, Trung Quốc đang thách thức các nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải. Thậm chí, nước này còn gây mâu thuẫn với cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam vào những tháng gần đây trong các vấn đề liên quan tới việc khai thác tài nguyên trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Việc Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam sẽ khiến nước này bước vào một cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ đơn thuần là vấn đề liên quan tới thương mại và năng lượng mà nó còn là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc đang nổi lên trong khu vực châu Á. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực Ấn Độ Dương, New Delhi cũng có thể sẽ làm điều tương tự ở Biển Đông. Nhưng một khi quyền lực của Trung Quốc gia tăng, nó có thể sẽ kiểm chứng sự quyết tâm duy trì sự hiện diện tại Biển Đông của Ấn Độ.
Trước thời điểm này, Ấn Độ thực sự vẫn giữ vai trò là một quan sát viên thụ động trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong tranh chấp hàng hải và chủ quyền ở khu vực. Nhưng bây giờ, sau khi mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông, New Delhi sẽ phải chú ý đến sức mạnh của Trung Quốc. Thách thức với New Delhi là làm thế nào để cân bằng tham vọng chiến lược thực tế với các nguồn lực và tiềm năng của mình.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
0 comments: